Trong thời gian qua, do diễn biến kinh tế thế giới và trong nước hết sức phức tạp, khó lường, nên việc điều hành chính sách tiền tệ thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô phải hết sức chặt chẽ, thận trọng nhưng cũng đòi hỏi phải chủ động và linh hoạt. Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, cùng một số chính sách khác có liên quan, đã đạt được nhiều kết quả đáng khả quan, được dư luận đánh giá là hết sức tích cực.

Thứ nhất là tốc độ tăng lạm phát giảm dần, giảm chắc chắn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm liên tục từ tháng 3/2012 cho đến nay và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước: CPI tháng 1 tăng 1%, tháng 2 tăng 1,37%, tháng 3 tăng 0,16%, tháng 4 tăng 0,05%, tháng 5 tăng 0,18%. So với tháng 12/2011, CPI tháng 5/2012 tăng 2,78%, thấp nhất trong 3 năm qua. Đáng chú ý là, Ngân hàng Nhà nước đã neo được sự kỳ vọng lạm phát. Kỳ vọng lạm phát đã được kiểm soát tốt với dự kiến CPI khoảng 7% – 8% trong năm nay. Đó mới là điều quan trọng cần cho điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.
Nhìn nhận lại, có thể thấy, trong nhiều khoảng thời gian, khi đông đảo người dân và các doanh nghiệp nhận thấy các khuôn khổ chính sách vĩ mô mà không chắc chắn thì kỳ vọng về lạm phát có thể bùng trở lại rất nhanh, tác động mạnh đến điều hành chính sách, nhất là chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chỉ số CPI đã giảm, cùng với tỷ giá ổn định, giá vàng giảm và không có biến động nên không có kỳ vọng về đầu tư thậm chí là thua lỗ, thị trường bất động sản không cho phép đầu cơ rủi ro, do đó lòng tin của người dân vào Đồng Việt Nam đã tăng lên. Kết quả là mặc dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm liên tục tới 4 lần trong hơn 2 tháng qua, từ ngày 11/6/2012 giảm còn 9%/năm, nhưng tiền gửi Đồng Việt Nam vào các NHTM vẫn tăng khá. Tổng dư tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đến hết tháng 5-2012 tăng khoảng 5,42% so với cuối năm 2011. Đây cũng là những mức khá cao so với diễn biến trong cùng kỳ so sánh ở năm 2011 (đến cuối tháng 5/2011 huy động vốn chỉ tăng 1,4%).
Thứ hai là thanh khoản của hệ thống NHTM đã tốt lên rất nhiều. Cuối quý 4/2011 và đặc biệt là trong tháng 12/2011, thanh khoản của một số NHTM rất khó khăn. Nhưng hiện nay thanh khoản hệ thống đã được củng cố và cải thiện rất tích cực. Để đảm bảo thanh khoản cho các NHTM, từ cuối năm 2011 đến tháng 5-2012, NHNN đã mua vào 9 tỷ USD, cung ứng ra thị trường là 180.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong tháng 2/2012, NHNN đã bơm ra 60.000 tỷ đồng cho một số NHTM để phục vụ cho vay các chương trình nông nghiệp và nông thôn. Đó là chưa kể, cuối năm 2011, để hỗ trợ các NHTM có nguy cơ mất khả năng thanh khoản, NHNN đã “bơm” ra thị trường 30.000 tỷ đồng.
Thứ ba là tỷ giá giữa đô la Mỹ và Đồng Việt Nam (USD/VND) và giá vàng khá ổn định từ đầu năm đến nay. Thị trường ngoại hối và kỳ vọng tỷ giá cũng được neo giữ ở mức rất ổn định. Thống đốc NHNN công bố định hướng năm nay chỉ biến động trong khoảng 2 – 3% nếu như không có các cú sốc từ bên ngoài. Ngân hàng Nhà nước tin tưởng biên độ đó hoàn toàn có thể đạt được. Việc điều hành có tính đồng bộ, dài hạn và có tính dự đoán được đã đưa đến những kết quả đáng khích lệ như đề cập ở trên.
Nhưng hiện nay có một số quan điểm cho rằng sau khi giảm trần lãi suất huy động Đồng Việt Nam xuống còn 9%/năm và lãi suất cho vay 4 đối tượng được khuyến khích còn 12%/năm, thì kỳ vọng lãi suất sẽ giảm nữa, thậm chí giảm mạnh, làm cho thị trường tiền tệ không ổn định. Nhưng NHNN định hướng từ nay đến cuối năm sẽ ổn định, ngoại trừ có yếu tố nào đó đột biến. Như vậy, các doanh nghiệp cũng chủ động để dự báo được động thái chính sách; các ngân hàng thương mại cũng chủ động được phương án kinh doanh, cân đối được chi phí của mình, có các phương án trung và dài hạn tốt hơn.
Trong dư luận có một bộ phận quan tâm đến diễn biến tỷ giá USD/VND sau khi lãi suất nội tệ giảm, khoảng cách chênh lệch với lãi suất USD bị thu hẹp, thì khả năng có sự dịch chuyển từ đồng Việt Nam sang USD, sẽ làm cho tỷ giá USD/VND tăng lên. Song dự báo sự dịch chuyển này ít xẩy ra vì mức độ chênh lệch lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ vẫn còn ở mức lớn.
Quan trọng nhất trên thị trường ngoại hối hiện nay, ngoài tỷ giá mua bán, là thanh khoản. Hiện nay, thanh khoản của các NHTM được NHNN đánh giá là rất tốt. Cho nên có thời điểm ngắn đầu tháng 6/2012 tỷ giá có tăng nhẹ, nhưng khi đến ngưỡng kỳ vọng thì thanh khoản của các NHTM rất dồi dào, lập tức tỷ giá giảm trở lại. Với điều hành lãi suất sẽ ổn định của Ngân hàng Nhà nước, cộng với kỳ vọng tỷ giá tăng 2 – 3% trong cả năm 2012 thì người gửi VND vẫn có lợi hơn so với gửi USD. Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh sau khi trừ chi phí rồi để đạt được mức lợi nhuận sau thuế 9%/năm là cực kỳ khó khăn. Cho nên lúc này gửi VND vào ngân hàng thương mại vẫn là một kênh đầu tư an toàn đối với đông đảo người dân.
Hiện nay, các nguồn cung ngoại tệ trên thị trường khá rất ổn định. Quý 1/2012, cán cân thanh toán thặng dư 5 tỷ USD. Lần đầu tiên sau nhiều năm thặng dư cả cán cân vốn và cán cân vãng lãi, đây là một điểm rất mới hỗ trợ cho tỷ giá ổn định. Trước đây cán cân vãng lai thường xuyên thâm hụt. Dự báo của Ngân hàng Nhà nước là trong quý 2 cán cân thanh toán sẽ tiếp tục thặng dư.
Về phía tâm lý thị trường và tâm lý người dân, số liệu của NHNN cho thấy tiền gửi ngoại tệ của dân cư đã giảm và dịch chuyển sang VND. Trên thị trường thể hiện một điều rất rõ nét từ cuối 2011 đến nay là NHNN liên tục mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ. Điều đó cho thấy người dân và thị trường đã có lòng tin vào điều hành chính sách của Chính phủ và NHNN, cũng như là với VND, được củng cố hơn rất nhiều.
Chính vì những lý do trên, nên việc NHNN điều chỉnh trần lãi suất tiền gửi nội tệ giảm xuống 9%/năm từ ngày 11-6-2012 sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá và thị trường ngoại hối ở thời điểm hiện tại cũng như thời gian tới.
Thứ tư về mở rông tín dụng cho nền kinh tế. NHTM là tổ chức trung gian tài chính, huy động vốn và cho vay. Nếu vốn huy động được mà không cho vay ra thì đọng vốn NHTM chỉ còn nguy cơ thua lỗ, phá sản. Song sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay rất thấp, còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nên việc cho vay phải đảm bảo các nguyên tắc tín dụng theo thông lệ quốc tế và an toàn.
Về một số ý kiến cho rằng các NHTM gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng. Thực tế hiện nay các NHTM còn cạnh tranh với nhau để giảm lãi suất, giữ chân khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng mới có nhiều tiềm năng. Do đó, tiếng nói từ doanh nghiệp trong câu chuyện lãi suất vay vốn còn cao và tiếp cận vay vốn còn nhiều khó khăn thì cần được phân tích cụ thể. Tạm thời chia doanh nghiệp theo ba nhóm: Nhóm sắp phá sản, nhóm đang hoạt động cầm chừng và nhóm đang hoạt động tốt. Nhóm đầu tiên có thể là 20%, hay nhóm tốt có thể là 20%, vì vậy cần tìm hiểu một tiếng nói có tính đại diện chung.
Thực tế để cạnh tranh thu hút khách hàng, không ngân hàng nào dại gì đặt ra thêm các điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn. Thậm chí với khách hàng tốt các NHTM còn chủ động cơ cấu lại nợ, như thế là một sự nới lỏng nhất định theo quy định của NHNN. Chỉ có điều là các NHTM phải kiểm soát, tăng cường yêu cầu minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp nhiều hơn. Qua đó để làm rõ dòng tiền của doanh nghiệp, thực chất thời gian tới họ làm ăn thế nào.
Đối với ý kiến cho rằng khó vay vốn tín dụng ngân hàng, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp đầu cơ, nay hàng tồn kho lớn, một số doanh nghiệp bất động sản đầu tư quá lớn. Nhìn chung, các doanh nghiệp loại này không thể cơ cấu lại được, hay trước đây họ không gắn với sản xuất, chỉ làm dịch vụ, trung gian,…. NHTM muốn hỗ trợ, muốn đáp ứng nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp nhưng phải đặt an toàn lên hàng đầu, chứ không thể vì thừa vốn mà đẩy tín dụng ra ồ ạt, không kiểm soát được thì hậu quả phải trả giá là 6 tháng hay một năm nữa. Thậm chí khi lãi suất huy động 14%/năm, một số NHTM đã phải cho vay 12%/năm, vì thà rằng cho vay những khách hàng tốt đó còn hơn gửi liên ngân hàng chỉ 6% – 7%/năm”.
Nhìn chung, đối với doanh nghiệp tồn kho cao, làm ăn thua lỗ thì đúng là các NHTM cho vay chặt chẽ hơn để ngăn ngừa rủi ro. Việc thẩm định dự án vay vốn của doanh nghiệp ở đây còn phải tiên lượng được vài năm tới chứ không chỉ hiện tại. Trong một số năm tới chính sách của Chính phủ thế nào, điều kiện thị trường trong và ngoài nước thế nào. Điều dễ dàng nhận thấy là trong một số năm tới, không dễ gì Nhà nước nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như những năm trước đây.
Chính sách lãi suất hiện nay sẽ đạt được hai mục tiêu. Thứ nhất, sẽ góp phần tăng tổng cầu nền kinh tế; tín dụng sắp tới sẽ tăng lên, chi tiêu ngân sách sẽ tăng lên, người dân đầu tư sẽ sử dụng đồng tiền của mình vào sản xuất. Thứ hai, điều chỉnh hài hòa lợi ích giữa người gửi và người vay. Và quan trọng là nó phù hợp với kỳ vọng của thị trường, cả người gửi và người vay đều kỳ vọng sẽ giảm tiếp. Cân bằng được các lợi ích đó, cả với ngân hàng và Nhà nước nữa, định hướng của Thống đốc NHNN đã được công bố, giữ ổn định lãi suất từ nay đến cuối năm, thì sẽ kích thích các giao dịch kinh tế sẽ nhộn nhịp hơn trong thời gian tới.

Do đó có thể khẳng định, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian qua đã hướng đến đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô theo định hướng của Chính phủ.

PGS.TS. Nguyễn Đắc Hưng